Được coi là một ngành “vất vả”, vì vậy, mặc dù lợi thế về dễ có việc làm ổn định cùng với mức thu nhập khá nhưng ngành điện tử – điện lạnh vẫn chưa thực sự thu hút thí sinh.
Học gì, làm gì?
Nhóm ngành điện tử – điện lạnh bao gồm một số chuyên ngành: Điện công nghiệp và dân dụng, Điện lạnh, Điện tử tin học, Công nghệ kỹ thuật điện tử, Cơ điện tử, Điện tử Công nghiệp, Điện tử Viễn thông.
Đối với ngành điện tử: Ngoài những kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp cơ bản, sinh viên được đào tạo về lý thuyết mạch, kỹ thuật điện – điện tử, kỹ thuật số và vi xử lý, ngôn ngữ lập trình, thí nghiệm cơ sở và thí nghiệm chuyên ngành. Khi tốt nghiệp có thể làm việc tại các khu công nghiệp, các đài phát thanh truyền hình, các công ty sản xuất và lắp ráp thiết bị điện tử, các công ty có hệ thống điện – điện tử, công ty tư vấn, thiết kế và xây lắp điện, Sở điện lực, viện thiết kế, các trung tâm điều khiển, công nghệ Robot, các nhà máy nhiệt điện và thủy điện,…
Đối với ngành điện lạnh: Sinh viên được đào tạo tổng hợp các kiến thức cơ bản của kỹ thuật điện, kỹ thuật lạnh, điện lạnh công nghiệp, có khả năng tham gia thiết kế, triển khai bảo trì, sửa chữa, cải tiến, nâng cấp các hệ thống điện lạnh công nghiệp.
Kỹ sư ngành Điện lạnh có thể đảm nhiệm các công việc tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các cơ quan quản lý khoa học – công nghệ có liên quan đến các chuyên ngành công nghệ nhiệt, nhiệt điện, điện lạnh và điều hoà không khí, có thể về công tác ở các tổ kỹ thuật cơ điện lạnh để đảm bảo công việc vận hành, bảo dưỡng các hệ thống lạnh hệ thống điều hòa không khí của các cơ quan, công sở quan trọng của nhà nước. Cũng không ít kỹ sư, kỹ thuật viên đang thiết kế hệ thống lạnh cho các công trình xây dựng.
Nhu cầu nhân lực và mức thu nhập
Theo dự báo của các chuyên gia, nhu cầu nhân lực cho ngành này tăng mạnh từ năm 2008. Thực tế cho thấy khi các khu công nghiệp phát triển rộng khắp đất nước, nhu cầu về nhân lực trong lĩnh vực điện công nghiệp theo đó cũng tăng cao. Đối với ngành điện lạnh 100% học viên theo học ngành này đều có việc làm. Nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng nhưng không đủ học viên cung ứng. Hằng năm, Khoa Điện lạnh của Trường Trung cấp nghề (TCN) Kỹ thuật Công nghệ Hùng Vương đào tạo khoảng 120 học viên theo hệ TCN và 1.700 lượt học viên theo hệ ngắn hạn. Ông Lê Thanh Minh, Trưởng Khoa Điện lạnh của trường, cho biết số lượng học viên đào tạo khá nhiều nhưng vẫn không đủ cung ứng cho các doanh nghiệp (DN).Đối với học viên theo học nghề điện lạnh mới tốt nghiệp, mức lương khởi điểm từ 2,2 triệu đồng đến 2,5 triệu đồng/tháng. Riêng một số học viên có tay nghề vững thì mức lương có thể đạt từ 3-7 triệu đồng/tháng trở lên.
Hiện các công ty tuyển dụng kỹ sư, công nhân điện lạnh khá nhiều. Điểm qua một vài công ty lớn như: Công ty Carrier, REE, LG, SAMSUNG, Cty Đông lạnh thủy hải sản Searefico, Seaprodex, Agifish An Giang, Xí nghiệp chế biến thủy hải sản Cầu Tre, Xí nghiệp chế biến thủy hải sản VISSAN,… Tại Tp.HCM khá nhiều công ty đấu thầu lắp đặt hệ thống điện lạnh ở các công trình công nghiệp, dân dụng…
Một số trường đào tạo: ĐH Bách khoa (Hà Nội, TPHCM), CĐ Điện tử – Điện lạnh, ĐH Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên, ĐH Văn Lang, ĐH Công nghiệp, CĐ DL Kỹ thuật Bình Dương, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn Thông, …
Theo báo Giáo Dục Và Thời Đại.